Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Tinh thần Quỹ khuyến học Tư Khoai

Mới đó mà đã hơn hai tháng kể từ ngày Quỹ khuyến học Tư Khoai chính thức được thành lập. Mặc dù Blog Đại Gia Đình Tư Khoai chưa được xây dựng hoàn thiện nhưng số lượt truy cập đã lên đến con số…gần hai ngàn. Qua đó chứng tỏ có sự quan tâm theo dõi của rất nhiều thành viên trong Đại gia đình.

Xưa nay, Quỹ khuyến học có chủ ý là để khuyến khích việc học tập. Thật ra việc này đã được các cậu các dì ở Đơn Dương thực hiện từ rất lâu. Đồng thời có sự chung tay của các dì/dượng, cậu/mợ và các anh chị ở Hải ngoại. Sự hỗ trợ đó tuy không lớn nhưng cũng không nhỏ. Ngoài giá trị vật chất còn mang ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần. Cũng nhờ đó mà các cháu đã vượt qua cảnh khó khăn và vươn lên trong học tập.

Với tinh thần “tre già măng mọc” các cháu hôm nay phải có trách nhiệm duy trì và phát triển truyền thống đó. Chính vì vậy Quỹ khuyến học Tư Khoai chính thức được ra đời.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, vì vậy khi rơi vào tình cảnh khó khăn mới cảm nhận được sự quan tâm giúp đỡ là cần thiết. Quỹ khuyến học Tư Khoai ngoài mục đích khuyến khích việc học tập còn mang ý nghĩa giúp đỡ những ai trong gia đình không may rơi vào tình huống thật sự khó khăn, những lúc ốm đau hoạn nạn.

Việc đóng góp xây dựng Quỹ hoàn toàn mang tính chất tự nguyện (volunteer) và tùy theo khả năng của mỗi người. Ai có nhều góp nhiều, ai có ít góp ít, ai không có cũng không vì vậy mà mặc cảm. Đóng góp ý kiến, động viên tinh thần cũng là một cách tham gia xây dựng vì sự phát triển của Quỹ. Sự nguyên góp này không phải một sớm một chiều mà là cả một quá trình dài lâu và đặc biệt không nên để nó trở thành một “gánh nặng”. Mỗi người sẽ cảm thấy vui hơn khi làm được một cái gì đó thiết thực và hữu ích. Qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong nội bộ Đại gia đình Tư Khoai.

Quỹ sẽ được quản lý chặt chẽ, chi đúng mục đích và công bố rõ ràng.

“Hãy chung tay vì sự phát triển lâu dài của Đại gia đình Tư Khoai!”

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi vào hộp mail: khuyenhoc4khoai@gmail.com

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Ông Ngoại...

Ở Lạc Nghiệp, khi nhắc đến tên Tư Khoai thì ai ai cũng biết. Đó là tên hết sức thân mật mà người dân địa phương dùng để gọi ông ngoại của mình. Còn bà ngoại, có người gọi là bà Tư cũng có người gọi là bà Bốn. Ah mà có khi nào mình tự hỏi rằng: Tên này do đâu mà có chưa? Thử tìm hiểu một chút nhé!

Trước đây ở Huế cũng giống như các nơi khác, lớp người bình dân quê mùa hay đặt những tên thông tục nôm na thân mật để gọi ở nhà: ví dụ theo thứ tự sanh ra thì đặt là: Chút chị, Chút em, Chút xí…; hoặc đặt theo nghề nghiệp gia truyền như: Tấm, Cám, Hẻo, The, Lụa, Lượt, Là...; Có hộ nông dân lại chọn tên con thật bình dị, gắn với nghề làm ruộng của mình: Cày, Bừa, Gieo, Cấy, Gặt, Đập, ...Nghe qua như một quy trình canh tác vậy. Với nhà vườn thì cho các con mình mang tên các loài cây ăn trái như: Nhãn, Cam, Xoài, Dâu, ... Gia đình ông thợ thủ công thì đặt tên con là: Rèn, Giũa, Gò, Hàn, ...

Còn ông sơ bà cố ngày xưa, có thể cũng làm nghề nông với mong muốn là năm nào cũng trúng mùa, nhà thì lúc nào cũng đầy đủ lương thực nên chọn cho các con của mình là: Củ, Khoai, Đậu, Môn,…

Ông ngoại là thứ tư nên được gọi là Tư Khoai. (ông ngoại Bác là Củ, ông chín Thiện là Môn,…)

Vậy nên, tên Tư Khoai là xuất phát từ đó, nghe qua ta có cảm giác rất thân mật và gần gũi phải không!

(P/s: Bài viết có sự tham khảo ý kiến từ ông ngoại Tám, cậu Hai, cậu Danh,…có thể không hoàn toàn chính xác, mong các cậu, các dì góp ý kiến thêm).